Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Một kiểu dạy về công ty cho trẻ nhỏ


Một kiểu dạy về công ty cho trẻ nhỏ
Bìa cuốn sách. Ảnh: Reuters
SGTT.VN - Công ty Berkshire của Warren Buffett đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp, và một cuốn sách cố gắng cắt nghĩa tất cả những điều đó cho độc giả nhí, từ A đến Z.
Hai cư dân Omaha, tác giả Nancy Rips và hoạ sĩ Tom Kerr đã cùng nhau soạn cuốn sách My first Berkshire ABC để dạy trẻ em về một trong những công ty lừng danh thế giới, và một chút về tỉ phú địa phương đằng sau công ty đó.
Hơn 1.000 bản đã được bán tại ngày hội thường niên của Berkshire. Rips, người từng soạn ba cuốn sách về những ngày nghỉ Do Thái, cho biết trong một cuộc cùng trả lời phỏng vấn với Kerr. Hầu hết các trang nói về các công ty mà Berkshire sở hữu hoặc đầu tư. Ví dụ, G là Geico, và minh hoạ con tắc kè biết nói của hãng bảo hiểm xe. “Nỗ lực của tôi ban đầu là S giống như chơi cổ phiếu. Ông Buffett tin vào cổ phiếu. K là tỏ ra tử tế”, Rips nói.
“Tôi nhận được một lá thư hồi âm của Warren, cho rằng vậy là bốc thơm ông dữ quá, báo chí nó sẽ đập ông. Và tôi viết lại một loạt đề xuất. Ông ấy OK”.
KHỞI THỨC

Chân dài lý lẽ cũng dài


SGTT.VN - Có một quan niệm đã đi vào ca dao: Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Quan niệm trên không hẳn đúng. Trong văn học Việt Nam và cả một số nước lân cận, có không ít những “chân dài” biết nói năng, lập luận với lý lẽ sắc bén để bảo vệ mình và gia đình.
Đàn bà dễ có mấy tay…
Nói tới Hoạn Thư, người Việt nghĩ ngay tới một “sư tử Hà Đông” mà không nghĩ tới một tài năng lập luận bậc thầy. Khi bị Kiều bắt về hỏi tội, Hoạn Thư khấu đầu lý lẽ: Rằng tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Ghen tuông là chuyện tất yếu của nữ giới. Cho nên, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai. Sách lược xin ân xá của Hoạn Thư là nhận tội và đề cao Kiều: Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.
Trước cách nói năng khiêm nhường, lý lẽ sắc sảo vừa lý vừa tình này, Kiều được ca ngợi là “lượng bể” nên ở vào thế “Làm ra (xử tội) thì cũng ra người nhỏ nhen”. Kiều đành khoát tay tha, thế là Hoạn Thư thoát tội!
Thấp cơ thua trí đàn bà
Chuyện cổ tích Việt Nam Người đàn bà bị vu oan kể rằng hai lái buôn Lý và Tình làm giao kèo thách đố nhau. Lý tuyên bố đã “quan hệ” được với vợ Tình. Chứng cứ là anh ta biết một nốt ruồi ở chỗ kín trên người vợ Tình (thực ra hắn biết chi tiết này do bà đỡ cho vợ Tình kể lại). Thế là Tình mất hết cơ nghiệp. Uất quá, Tình đánh vợ rồi đuổi đi.
Để trả thù Lý và minh oan cho mình, một hôm vợ Tình vu cho Lý mượn 20 quan tiền (quen nhau nên không làm văn tự). Họ lôi nhau lên quan. Lý bị vu oan, tức quá, bèn cam đoan với quan: “Tôi không hề quen biết gì người đàn bà này!” Thế là mắc bẫy của vợ Tình: “Bẩm quan, nếu nó không hề quen tôi thì làm sao nó lại có thể ăn nằm với tôi được cơ chứ!” Lý thua kiện, mất luôn tài sản và cũng lòi ra là đã lừa gạt Tình. Vợ Tình chẳng những bảo vệ được danh dự mình mà còn lấy lại được tài sản của chồng.
Người vợ thông minh này đã nói điều giả dối lừa cho đối phương phủ định, vô tình bộc lộ những điều mâu thuẫn, giả dối của đối phương.
Đó là phương pháp lập luận: Lấy điều giả dối để chứng minh điều giả dối.
Từ một giả thiết sai
Triệu Truyền Đống kể câu chuyện sau: trong vòng chung kết một cuộc thi hoa hậu Hong Kong, ban giám khảo hỏi cô Dương:
- Nếu phải chọn một trong hai người sau đây làm bạn đời thì cô sẽ chọn ai? Sôpanh (nhạc sĩ thiên tài Ba Lan) hay trùm phát xít Hítle?
- Tôi sẽ lấy Hítle.
Thật bất ngờ, quan khách xao động hẳn lên với cùng một câu hỏi: Sao lại chọn Hítle? Cô Dương mỉm cười: “Nếu lấy Hítle, tôi hy vọng mình sẽ cảm hoá được Hítle: thế chiến lần thứ hai có thể đã không xảy ra và hàng chục triệu người đã không chết uổng”.
Cô giành được những tràng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả. Cô đã nhanh trí nhận ra rằng Sôpanh và Hítle đều đã chết. Không ai phải lấy người chết. Giả thiết đó sai. Nên cô có quyền mặc sức chọn Hítle hay Sôpanh. Vấn đề là giải thích thế nào thôi. Vậy thì chọn lấy Hítle mới là điều lạ và bất ngờ. Thành công vì cách chọn bất ngờ và vì cô đã giải thích khôn khéo, có sức thuyết phục.
Khi lập luận hãy chú ý tới quy tắc sau: Từ một tiền đề (giả thiết) sai có thể dẫn tới một kết luận bất kỳ.
Lấy điều không thể chứng minh điều không thể
Có chuyện kể Ấn Độ rất giống với một giai thoại về Trạng Quỳnh: thời xưa, có vị vua bệnh nặng, thầy thuốc tâu với vua rằng chỉ cần uống sữa bò đực là vua hết bệnh ngay. Mà việc này chỉ có nhà thông thái Ca-bu-ơ mới tìm được (người thầy thuốc nọ vốn thâm thù Ca-bu-ơ). Tin lời thầy thuốc, nhà vua ra lệnh cho Ca-bu-ơ đi tìm sữa bò đực. Ông ta rất lo lắng, chưa biết tìm kế gì để thoát nạn. Cô con gái khuyên ông đừng lo, cô sẽ giúp ông.
Hôm sau vào lúc nửa đêm, con gái Ca-bu-ơ mang ít quần áo cũ đến bên bờ sông cạnh hoàng cung rồi giặt dưới cửa sổ phòng ngủ của quốc vương. Trong đêm yên tĩnh, cô cố tình khua động rõ to làm vua không sao ngủ được. Cả giận, nhà vua phái vệ binh bắt cô gái giải về hỏi tội: “Cớ sao đang đêm đến đây giặt giũ ầm ầm làm ta không ngủ được? Ngươi có biết tội không?” Cô gái ra vẻ sợ hãi: “Dạ, dân nữ biết. Mong bệ hạ tha tội. Có điều, dân nữ bất đắc dĩ mới phải làm vậy. Số là, chiều nay cha dân nữ mới đẻ em bé, mà trong nhà chẳng còn quần áo sạch sẽ làm tã lót cho em nên dân nữ đành phải đi giặt vào lúc này”.
- Nói láo! Ngươi đùa cợt ta chắc? Ai đời đàn ông lại đẻ con!
- Dạ, nếu bệ hạ có thể hạ lệnh cho người đi kiếm sữa bò đực thì sao đàn ông lại không thể đẻ được ạ?
Nghe vậy, nhà vua cười: “Ngươi chắc chắn là con gái của Ca-bu-ơ rồi. Thôi, về bảo cha ngươi cứ giữ lấy món sữa bò đực cho em bé ông ta vừa đẻ bú nhé!”
Thế là Ca-bu-ơ thoát khỏi tai hoạ.
GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN

“Nem chả chay” có thành tội?


SGTT.VN - “Nem chả chay” là cách ví von mà gần đây nhiều chuyên gia tâm lý sử dụng để diễn đạt hiện tượng vợ hoặc chồng “say nắng” ai đó mà chưa quan hệ xác thịt. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình lục đục, như người chồng trong lá thư gửi đến chuyên mục Bàn tròn dưới đây đang chịu một cú sốc khá nặng khi chứng kiến vợ công khai “say nắng” anh chàng đồng nghiệp, nhưng cô lại cho rằng chẳng có gì để có thể ghép vào tội ngoại tình.
Vợ tôi đúng chuẩn của một phụ nữ Á Đông: tan ca đón con về nhà, nấu nướng, dọn dẹp, dạy con học. Cô nấu ăn ngon, vui vẻ, hiếu thuận với họ hàng hai bên. Dù có vị trí khá tốt ở một công ty nước ngoài, vợ tôi vẫn đảm đương mọi việc trong nhà, dành thời gian cho tôi tập trung vào công việc và chuyện xã hội như bao bậc đàn ông Việt Nam khác. Mười năm sống chung, tổ ấm chúng tôi chưa một lời nặng nề. Vậy mà cả tháng nay chúng tôi “mặt lạnh” với nhau, cũng bởi cái quan điểm trái khoáy lạ kỳ của vợ.
Vài tuần trước tôi đi du lịch cùng công ty của vợ, và thật sự ngạc nhiên khi thấy vợ mình được sự chăm sóc quá tận tình bởi Lân – đồng nghiệp của vợ. Vợ tôi mệt vì say xe, chàng Lân đó ngay lập tức bóc quýt, đưa khăn lạnh cho cô ấy. Ra biển dạo chơi, Lân lập tức nhường cái dù của anh cho vợ tôi. Nhập tiệc, tôi chưa kịp ra tay thì anh Lân này nhanh nhảu kéo ghế, khui nước, gắp tôm bỏ cho vợ tôi rồi. Phải nói rằng tôi bị sốc bởi sự sốt sắng của Lân, càng ngạc nhiên hơn khi vợ tôi cứ đón nhận một cách nghiễm nhiên. Suốt hành trình đó, tôi như một cái bóng, còn vợ tôi và Lân thì tíu tít chuyện trò với nhau. Thi thoảng lắm, vợ tôi mới chịu quay lại hỏi: “Anh có vui khi đi với công ty của em không?” Tâm trạng tôi khi đó chỉ ngồn ngộn một chữ “ghen”. Mỗi lần nhìn Lân ngọt ngào với vợ mình, tôi nóng mặt chỉ muốn sấn đến tung cho anh ta một cái đấm vào mặt nhưng vẫn kìm được cơn giận dữ. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao các đồng nghiệp của vợ biết rõ tôi là chồng của cô ấy, mà chẳng chút cau mày trước những hành vi của vợ tôi với tên Lân kia.
Ở góc độ nào cũng là ngoại tình
Xã hội thay đổi, trào lưu, xu hướng phát sinh sẽ kéo theo những chuẩn mực khác. Trong hôn nhân cũng vậy, tư tưởng hiện đại của các cặp vợ chồng trẻ đôi khi thúc đẩy họ muốn bứt phá khỏi khuôn khổ gia đình truyền thống mà vẫn khẳng định là giữ được sự chu đáo, vẹn toàn. Cái gọi là bứt phá đó có thể là: cho phép thiết lập quan hệ với người thứ ba theo kiểu giao lưu tình cảm nhưng không chung đụng xác thịt. Xét ở góc độ nào thì kiểu quan hệ này cũng bị coi là ngoại tình, quan hệ xác thịt là giai đoạn ngoại tình xa hơn. Vì vậy, nếu người trong cuộc còn lờ mờ, chưa phân biệt được những ranh giới trong tình cảm, đồng nghiệp, thì người còn lại cần thức tỉnh họ. Một khi đã lập gia đình, bạn muốn làm mới những mối quan hệ của riêng mình, dù thế nào cũng phải nhìn lại người bên cạnh mình, hiểu suy nghĩ của họ để lèo lái các mối quan hệ sao cho đừng làm tổn thương cả hai.
TS VÕ VĂN NAM (KHOA TÂM LÝ GIÁO DỤC
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HCM)
Trở về nhà, tôi đùng đùng nổi giận, đòi vợ giải thích cặn kẽ sự tình. Khác với dự đoán của tôi, vợ tôi bình thản lên tiếng: “Anh không phải bận tâm về chuyện này đâu. Ở công ty mọi người đồn em với Lân là một cặp trời cho. Lân là phó phòng, đẹp trai, ga lăng, và dường như hiểu tất tần tật em muốn gì, nghĩ gì. Lân đúng như người trong mộng bấy lâu nay của em. Giữa em và Lân có rất nhiều điểm tương đồng, chỉ khác ở chỗ cả hai đều có gia đình. Có lẽ đó chính là vách ngăn giúp chúng em giữ giới hạn với nhau, gọi là “say nắng” cho vui thôi chứ em và Lân vẫn đặt sự chung thuỷ gia đình lên hàng đầu mà”.
Tôi chới với ở một cái hố sâu không tìm thấy đáy khi nghe vợ chia sẻ suy nghĩ thật của cô ấy. Đương nhiên, tôi không thể chấp nhận quan điểm đó. Tôi có thể là một người chồng cộc cằn, ít chiều vợ, nhưng tôi luôn lo lắng chu toàn kinh tế cho cả nhà, và chưa bao giờ dám nghĩ đến hai chữ “ngoại tình”. Trong khi đó thì vợ tôi lại cho rằng chỉ khi nào nhìn thấy cô ấy lên giường với kẻ khác thì mới bị coi là ngoại tình.
Là vợ chồng với nhau cả chục năm, đến nay tôi mới thấy hai vợ chồng khác nhau ở quan điểm hôn nhân. Một sự khác nhau không thể chấp nhận để sống cùng được. Nếu vợ tôi vẫn khẳng định “cái sự say nắng” của nàng chẳng có gì sai, tôi e rằng hạnh phúc gia đình đến lúc lung lay, và tôi sẽ giải thích như thế nào một khi họ hàng hai bên biết chuyện?
Phải chăng chuẩn mực đạo đức thời nay đã khác xưa? Vợ tôi vẫn đều đặn hàng ngày đảm đang trách nhiệm một người vợ, ngọt ngào với chồng và chu đáo với các con. Nhưng hàng đêm, tin nhắn trong điện thoại của cô ấy luôn là những dòng chúc ngủ ngon của tên người tình say nắng kia. Tôi phải làm sao?
DUY TÂM (ĐỒNG NAI)
Trịnh Phương Hà (28 tuổi, Tân Bình, TP.HCM)
Ranh giới mong manh
Nhiều người vô tư khẳng định công khai chuyện họ với người thứ ba chỉ là tình đồng nghiệp, nhưng thực chất đó là ngụy trang cho “sự vụng trộm”.
Nem chả dù làm bằng bất kỳ nguyên liệu nào thì người ta cũng gọi đúng một cái tên. Đâu nhất thiết quan hệ xác thịt mới là ngoại tình. Ranh giới từ chuyện “cảm nắng” đến những chuyện khác rất mỏng, dễ vượt qua và khó kiểm soát. Bởi vậy, nếu đã có gia đình, chúng ta nên biết vị trí của mình ở đâu, trách nhiệm hôn nhân phải được thể hiện như thế nào kẻo sự thiêng liêng của vợ chồng lại thành nỗi đau tan vỡ.
Hà Thanh Hải (32 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM)
Chay hay mặn gì cũng phạm lỗi
Tôi thật sự không chấp nhận hiện tượng trái khoáy kia. Ngay cả xứ Tây người ta thông thoáng nhưng cũng không chấp nhận chuyện tự ý xây cho mình một “vùng trời thứ ba” như vậy.
Không thể nào đã có chồng mà vẫn ấp ủ tư tưởng người trong mộng, đó là sự xúc phạm hôn nhân, xúc phạm người cùng chăn gối với mình. Tuy nhiên, nếu một khi người vợ không tách bạch được đâu là bạn bè, đâu là tình yêu thì người chồng lúc này phải kiên nhẫn giải thích cho vợ hiểu, biết bổn phận trách nhiệm của cô ấy, nhằm chóng lôi kéo vợ mình trở về thực tại.
NGUYÊN CAO (THỰC HIỆN)